Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
Cập nhật lúc: 10:34 AM ngày 22/11/2024
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số nhằm từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực; từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.

Thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong 10 năm vừa qua với góc độ 16-30%/năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Kế hoạch đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

1. Phát triển kinh tế số ICT

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số.

Doanh nghiệp công nghệ số mạnh là lực lượng sản xuất tiên tiến để phát triển kinh tế số ICT và thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực.

2. Phát triển dữ liệu số

Đẩy nhanh mức độ sẵn sàng của các bộ dữ liệu chất lượng cao và thúc đẩy lưu thông, chia sẻ, mở dữ liệu; thúc đẩy việc mở dữ liệu, tích hợp, tái sử dụng, lưu thông dữ liệu và cải thiện hiệu quả nhờ đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; nghiên cứu và triển khai thí điểm các kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu và phát triển các ứng dụng số...

3. Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.Ưu tiên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam có tiềm năng lớn và dư địa phát triển kinh tế số gồm: Thương mại bán buôn, bán lẻ; Nông nghiệp; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Logistics.

Phát triển kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp tập trung chú trọng vào nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Buổi livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thực hiện chuyển đổi các nhà máy trở thành các nhà máy thông minh phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới.

Phát triển kinh tế số lĩnh vực logistics theo hướng ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu chi phí logistics toàn trình, xuyên suốt toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển, cửa khẩu, kho-bãi-cảng tới tận tay người tiêu dùng và ngược lại...

4. Quản trị số

Triển khai thí điểm ở các bộ, ngành, địa phương sau đó nhân rộng các nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ; hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý và các trợ lý ảo khác; hoàn thiện mô hình điều hành dựa trên dữ liệu qua Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) để phổ biến cho các địa phương.

Hiện tại, kinh tế số trong các ngành mới chiếm 40% tổng kinh tế số của Việt Nam, còn lại 60% thuộc về ngành công nghiệp thông tin và truyền thông.

Với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, các trọng tâm cần tập trung gồm hoàn thiện thể chế pháp luật, đầu tư vào hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế chủ lực, xây dựng thị trường dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, phát triển nguồn nhân lực số...

Những mục tiêu này sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên số./.

Theo Vietnam+

 

 



  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing