Viễn thông Thanh Hóa nhận Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong việc trực tiếp triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2006-2010”
Cập nhật lúc: 03:16 PM ngày 24/10/2012
Khởi động từ năm 2006, sau 5 năm triển khai (2006-2010), giai đoạn 1 của chương trình Viễn thông công ích tại Thanh Hóa tạo dấu ấn rõ nét trong việc đưa “sóng” Viễn thông – Công nghệ thông tin đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Khởi động từ năm 2006, sau 5 năm triển khai (2006-2010), giai đoạn 1 của chương trình Viễn thông công ích tại Thanh Hóa tạo dấu ấn rõ nét trong việc đưa “sóng” Viễn thông – Công nghệ thông tin đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Với những thành tích đã đạt được, Viễn thông Thanh Hóa vinh dự là 1 trong 25 đơn vị được Bộ thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong việc trực tiếp triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010”.

Viễn thông Thanh Hóa vinh dự là 1 trong 25 đơn vị được Bộ thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong việc trực tiếp triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010”.

Ra đời trong bối cảnh viễn thông ở nước ta phát triển nhanh nhưng mức độ phổ cập dịch vụ còn thấp và không đồng đều, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 7/4/2006, nhằm đẩy nhanh việc phổ cập các dịch vụ Viễn thông và Internet đến mọi người dân trên cả nước, trong đó tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ Viễn thông và Internet giữa các vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Chương trình 74 đặt ra 3 nhiệm vụ chính là: Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và các điểm truy nhập dịch vụ viễn thông công cộng. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông chi phí duy trì cung ứng dịch vụ VTCI. Hỗ trợ các nhiệm vụ công ích khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng với 27 huyện/thị/thành phố; trong đó có 11 huyện miền núi. Địa hình cách trở, nhiều xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển dịch vụ viễn thông và internet. Trước khi có chương trình VTCI, mật độ điện thoại của các xã thuộc vùng VTCI dưới 2,5 máy/100 dân, mật độ thuê bao internet dưới 0,02 thuê bao/100 dân, nhiều xã còn “trắng” dịch vụ Internet; số điểm truy cập internet công cộng mới có 13 điểm/481 xã được hưởng dịch vụ VTCI, đạt tỷ lệ 0,027%.

Chương trình VTCI đã rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ Viễn thông và Internet giữa các vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. Trong ảnh: Người dân huyện miền núi Mường Lát lần đầu được biết đến dịch vụ Internet do Viễn thông Thanh Hóa cung cấp.
Ảnh: Nguyễn Xuân Vĩnh

Giai đoạn 2006-2010, Thanh Hóa có 19 huyện và 13 xã thuộc 02 huyện Hoằng Hóa và Nga Sơn với tổng số 481 xã và 01 đảo Hòn Mê (Tĩnh Gia) thuộc vùng được thụ hưởng chương trình VTCI. Trong đó, khu vực 1 gồm 09 huyện; Khu vực 2 gồm 3 huyện; Khu vực 3 gồm 7 huyện. Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của chương trình VTCI đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh nói chung, các huyện “vùng khó” nói riêng; đồng thời xem đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của Doanh nghiệp Viễn thông chủ lực đối với sự phát triển toàn diện địa phương; từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Viễn thông Thanh Hóa đã chủ động triển khai chương trình cung cấp dịch vụ VT-CNTT cho các vùng VTCI. Các công trình và dịch vụ VT-CNTT ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị - an ninh – quốc phòng còn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào và nhân dân vùng miền núi, vùng sâu vùng xa phát triển cuộc sống, xóa đói giảm nghèo. “Cánh sóng” Viễn thông – công nghệ thông tin đã phủ kín đến tất cả các xã được hưởng VTCI, chỉ số mật độ cố định, Internet tăng nhanh, nhất là các huyện nghèo thuộc vùng 30a.

Trong gần 5 năm thực hiện chương trình VTCI, tính đến hết tháng 12/2010, Viễn thông Thanh Hóa đã thiết lập thành công 484 điểm điện thoại công cộng; 132 điểm truy cập Intenet công cộng, nâng tổng số điểm truy nhập Intenet công cộng trên địa bàn toàn tỉnh là 154 điểm, đạt 32% số xã có điểm truy nhập Internet công cộng. Hầu hết các dịch vụ Viễn thông Thanh Hoá đã và đang cung cấp cho khách hàng đều có mặt ở các điểm Viễn thông công cộng, bao gồm: dịch vụ điện thoại cố định có dây, không dây Gphone, dịch vụ Internet, di động trả trước, trả sau, các dịch vụ nội dung. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BTTTT-BQP, ngày 04/3/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Quốc phòng, Viễn thông Thanh Hóa đã thiết lập được 08 điểm truy cập Internet công cộng tại các Đồn Biên phòng thuộc các xã: Trung Lý, Tén Tằn, Quang Chiểu, Pù Nhi, Tam Chung, Yên Khương, Hiền Kiệt, Na Mèo) và 02 điểm Điện thoại công cộng tại đồn Biên phòng Tam Lư và Mường Mìn phục vụ chiến sỹ, đồng bào các dân tộc khu vực các Đồn biên phòng. Đây là nỗ lực của Doanh nghiệp nhằm tạo cho cán bộ, chiến sỹ tìm kiếm nắm bắt thông tin trong nước và thế giới phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới và nhân dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại phục vụ phát triển KTXH, nâng cao dân trí, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2006-2010, theo chính sách VTCI của Nhà nước, Viễn thông Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ trên 11 triệu lượt thuê bao cá nhân, hộ gia đình với mức kinh phí hỗ trợ lên đến gần 158 tỷ đồng.

Song song với việc hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ VTCI theo chính sách của Nhà nước, Viễn thông Thanh Hóa còn thực hiện một số chương trình hỗ trợ người dân vùng VTCI như:  Hỗ trợ đồng bào vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất gia đình tại địa phương; Miễn cước các cuộc gọi thuộc vùng VTCI vào hộp thư khuyến nông khuyến lâm (8011.131). Hộp thư đã cung cấp những kiến thức, phương pháp trồng trọt, chăn nuôi dành cho nông dân, góp phần đem lại hiệu quả  kinh tế cao, giúp người dân có thêm kiến thức làm giàu trên chính mảnh đất quê hương; Giảm mức cước thuê bao điện thoại cố định, Gphone sử dụng một chiều dịch vụ từ 10.000đồng/tháng (quy định của Tập đoàn) xuống còn 7.500đồng/thuê bao.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2011, khi Nhà nước chưa ban hành chính sách hỗ trợ tiếp theo cho các vùng được cung ứng dịch vụ VTCI; bằng nguồn chi phí của Doanh nghiệp, Viễn thông Thanh Hóa đã thực hiện hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình thuộc vùng được cung ứng dịch vụ VTCI. Theo đó, mức hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình ở khu vực 1 VTCI: 4.000đồng/T.B/tháng; Khu vực 2 VTCI: 5.500đồng/T.B/khách hàng, Khu vực 3 VTCI: 7.500đồng/T.B/tháng). Số lượng khách hàng được hỗ trợ ước tính khoảng 290.000 khách hàng với trên 1 triệu lượt hỗ trợ. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 7,6 tỷ đồng. Hoạt động góp phần chung tay cùng khách hàng vùng VTCI chia sẻ khó khăn này của Viễn thông Thanh Hóa đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao.

Chính sách cho vùng VTCI đã phần nào đem lại sự đổi thay tích cực mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi, vùng sâu cùng xa của tỉnh Thanh Hóa. Sự hỗ trợ và đóng góp của Viễn thông Thanh Hóa đối với các khu vực này vì vậy càng có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện rõ sự chung tay sẻ chia khó khăn với đồng bào miền núi của Doanh nghiệp Viễn thông chủ lực cũng như tiếp tục khẳng định rõ quan điểm chủ đạo của Viễn thông Thanh Hóa là: “Chỉ có thể phát triển bền vững trong sự phát triển toàn diện của xã hội”.

Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong việc trực tiếp triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2006-2010” là sự ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Viễn thông Thanh Hoá trong việc đẩy nhanh việc phổ cập các dịch vụ viễn thông và Internet đến mọi người dân các vùng miền, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Đây sẽ là động lực để Viễn thông Thanh Hóa tiếp tục  “phủ sóng” dịch vụ viễn thông và Internet cho các vùng VTCI, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Đỗ Hồng



  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing