Chuyển đổi số - khơi dậy tiềm năng, đưa Thanh Hóa phát triển đột phá (Bài 2): Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý thúc đẩy CĐS toàn diện.
Từng bước hoàn thiện khung pháp lý
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4216/QĐ-UBND về kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện CĐS với 3 trụ cột chính: phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số...
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan dẫn dắt công cuộc CĐS của tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa Đỗ Hữu Quyết nhấn mạnh: Để từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã tập trung nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, CĐS, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo ra các mô hình, sản phẩm dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet... Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chính là khung pháp lý quan trọng, là “kim chỉ nam” cho hoạt động CĐS của tỉnh Thanh Hóa.
Bộ phận một cửa UBND TP Sầm Sơn
Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ban hành Quyết định giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến cho các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và ban hành chỉ thị về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm đẩy nhanh quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng bộ tiêu chí mô hình CĐS cấp huyện, cấp xã và giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cho UBND cấp huyện, cấp xã đến năm 2025.
6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh quá trình thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh với 1 chỉ thị, 9 quyết định, 3 kế hoạch và các văn bản chỉ đạo khác. Trong đó, nổi bật là: Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 18-1-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 28-3-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; Kế hoạch số 100/KH-BCĐ ngày 26-4-2023 của Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS về kế hoạch hoạt động năm 2023; Quyết định số 1829/QĐ-UBND ngày 30-5-2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành các tiêu chí CĐS cấp xã đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và các hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT và CĐS, UBND TP Sầm Sơn đã ban hành các quyết định thành lập ban chỉ đạo CĐS; tổ giúp việc ban chỉ đạo CĐS; phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo; giao chỉ tiêu hoàn thành CĐS cấp xã, phường giai đoạn 2022-2025; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp xã, tổ công nghệ số cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại đã có 11/11 xã, phường thành lập được ban chỉ đạo CĐS cấp xã và 86 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố.
Tương tự đối với công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quản lý đô thị, TP Sầm Sơn cũng áp dụng các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, thành phố thông minh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ về truyền thông và trao đổi thông tin; chỉ số đánh giá CĐS; áp dụng các giải pháp quản lý, giải pháp công nghệ số trong phát triển đô thị... TP Sầm Sơn đã đầu tư và xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai đồng bộ các giải pháp hiện đại nhất, như: nền tảng trung tâm điều hành thông minh; hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh; hệ thống phản ánh hiện trường, hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông; hệ thống nhắn tin chào mừng du khách; triển khai tích hợp hệ thống ứng dụng CNTT của thành phố về trung tâm điều hành thông minh, đã có thể quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trong thực tế ở tất cả các lĩnh vực, đời sống xã hội, thông qua dữ liệu thu thập từ hơn 155 camera giám sát được lắp đặt tại nhiều địa điểm công cộng, tuyến giao thông, cơ quan, đơn vị, trường học...
Với việc từng bước hoàn thiện thể chế, đã góp phần tạo hành lang pháp lý, tạo bước đột phá trong thực hiện CĐS, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Đề án 06 - bước đột phá trong hoạt động CĐS
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06) được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục, đem lại hiệu quả thiết thực. Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Thanh Hóa đã bám sát chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 Trung ương, các bộ, ban, ngành có liên quan để tham mưu, triển khai có hiệu quả tại địa phương, nhất là 18 nhiệm vụ do địa phương chủ trì triển khai.
Chuyển đổi số - khơi dậy tiềm năng, đưa Thanh Hóa phát triển đột phá (Bài 2): Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diệnCông an huyện Đông Sơn phối hợp với tổ đề án 06 các thôn hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản VNeID mức độ 2.
Công an huyện Đông Sơn phối hợp với tổ đề án 06 các thôn hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản VNeID mức độ 2.
Với việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, không triển khai hình thức, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Đến nay, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả bước đầu khá tích cực: tỷ lệ người dân truy cập, đăng ký tài khoản dịch vụ công được nâng lên; toàn tỉnh đã hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử đối với 100% công dân đủ điều kiện, hoàn thành vượt tiến độ của Bộ Công an giao; cấp tài khoản định danh điện tử và tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử trong khám chữa bệnh và tỷ lệ tra cứu thành công thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tăng qua từng tháng. Công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 được triển khai quyết liệt và hiệu quả...
Bám sát nhiệm vụ tại Đề án 06, kế hoạch của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Công an huyện Đông Sơn quan tâm, bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng, do đó quá trình triển khai đã đáp ứng tốt yêu cầu, thực hiện các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ. Giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý cư trú, tinh giản các giấy tờ cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân, tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí phục vụ lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tăng cường tính chính xác, nhanh chóng trong các hoạt động nghiệp vụ.
Việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, qua đó ngoài việc làm giàu dữ liệu dân cư, đã góp phần làm sạch dữ liệu chuyên ngành, xác thực thông tin công dân chính xác, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính; cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử cho các trường hợp công dân đi làm thủ tục cấp căn cước công dân và tích hợp các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế,... trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia...
Trung tá Nguyễn Đăng Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Đông Sơn, cho biết: Xác định cài đặt tài khoản định danh điện tử VNeID cho người dân là “nguyên liệu” để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Công an huyện Đông Sơn đã rà soát, phân loại thành 3 đối tượng công dân: quan tâm, ít quan tâm và không quan tâm đến việc cài đặt tài khoản VNeID, từ đó đưa ra các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tích cực, chủ động cài đặt VNeID. Đối với những trường hợp đặc biệt như người già cả, ốm đau, neo đơn không có khả năng đi lại... Công an huyện Đông Sơn cũng thành lập các tổ công tác phối hợp với tổ đề án 06 các thôn đến tận nhà để kích hoạt tài khoản VNeID mức độ 2. Tính đến ngày 30-6, huyện Đông Sơn đã cài đặt được 40.325 trường hợp (trong đó mức độ 2 là 28.224 trường hợp và mức độ 1 là 12.101 trường hợp, đạt tỷ lệ 132,23%), đứng thứ nhất toàn tỉnh.
Với việc hoàn thiện thể chế, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất về CĐS, nhất là cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nguồn lực đầu tư cả về tài chính, cơ sở vật chất và con người... đã góp phần tạo ra các dịch vụ công tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ phát triển đất nước, kết nối đa quốc gia, góp phần CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Theo Baothanhhoa.vn