ICTnews - Đại diện các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông đều cho rằng, thời gian tới, Bộ TT&TT nên có quy định cụ thể, đồng bộ để phát triển dịch vụ trên hạ tầng băng rộng vì “đã xây đường xá (băng rộng) thì phải có phương tiện (dịch vụ) chạy trên đó”.
ICTnews - Đại diện các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông đều cho rằng, thời gian tới, Bộ TT&TT nên có quy định cụ thể, đồng bộ để phát triển dịch vụ trên hạ tầng băng rộng vì “đã xây đường xá (băng rộng) thì phải có phương tiện (dịch vụ) chạy trên đó”.
Đến năm 2020, 20% kết nối băng rộng có tốc độ trên 10 Mb/s
Tại buổi giao ban với các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông ngày 19/4, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã trình bày Đề án Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.
Theo đó, Đề án sẽ bao gồm hiện trạng hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam như hiện trạng phát triển mạng viễn thông băng rộng, đánh giá nhu cầu băng rộng tại Việt Nam (đến năm 2015, 2020), mục tiêu, định hướng triển khai Chương trình băng rộng (hạ tầng, dịch vụ nội dung, công nghệ...). Ngoài ra, các chương trình băng rộng sẽ bao gồm các chương trình điều tra khảo sát mạng lưới, nhu cầu băng rộng theo địa bàn, theo khu vực; thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức; phát triển các điểm truy cập công cộng băng rộng tại các địa điểm thích hợp với từng địa phương; băng rộng đến trường học, băng rộng đến bệnh viện, băng rộng đến cơ quan nhà nước, băng rộng đến hộ gia đình, băng rộng đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, yêu cầu về băng rộng đối với Việt Nam đến 2015-2020 đối với từng lớp đối tượng như hộ gia đình, trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ có các mức dự kiến từ 256 Kb/s (năm 2015 đạt 60% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 10%), 256 Kb/s đến 2 Mb/s (30% năm 2015 và tăng lên 50% vào năm 2010), 2Mb/s đến 10 Mb/s (chiếm 10% năm 2015 và tăng lên 20% vào năm 2020) và trên 10 Mb/s (20% vào năm 2020).
Tạo điều kiện, chính sách để doanh nghiệp phát triển hạ tầng
Trước ý kiến của Cục Viễn thông về việc có nên quy định tốc độ tải lên vào Đề án hay không, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty FPT Telecom cho rằng, quy định tốc độ tải lên là cần thiết, bởi vì tốc độ tải lên hiện nay rất thấp và người sử dụng không thể tạo ra nội dung và chi sẻ với nhau. Ví dụ như tải xuống một bộ phim thì chỉ mất vài phút nhưng tải lên thì tốn hàng giờ đồng hồ. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ chú trọng duy nhất đến việc nâng tốc độ tải lên vì sẽ làm ảnh hưởng, giảm chất lượng dịch vụ”, ông Khoa nhấn mạnh.
Ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng, Đề án nên có định nghĩa rõ ràng về dịch vụ để từ đó có chỉ tiêu và chất lượng rõ ràng. Ông Hoàn cũng mong rằng sẽ có sự hỗ trợ, dẫn dắt của Nhà nước để doanh nghiệp và Nhà nước cùng thực hiện Đề án. “Các đề án băng rộng của Úc và Hàn Quốc đều có sự hỗ trợ về vốn và tiêu chuẩn của nhà nước nên đã đạt được thành công”, ông Hoàn dẫn chứng. Đồng thời, ông Ngô Trọng Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CMC TI kiến nghị nên có quy định cụ thể về giá cước thuê kênh để doanh nghiệp chủ động trong việc cung cấp dịch vụ đến khách hàng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng cho rằng việc phát triển hạ tầng viễn thông phải đồng bộ với dịch vụ vì khi có dịch vụ, người dân mới có nhu cầu sử dụng đến băng rộng. “Cục Viễn thông nên xem xét việc phát triển dịch vụ vào Đề án”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ TT&TT cũng sẽ xem xét và rà soát lại các cơ chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như việc thuê cơ sở hạ tầng, thuê kênh giữa cac doanh nghiệp. “Để phát triển băng rộng, chúng ta phải quản lý giá thuê kênh, hạ tầng trên cơ sở giá thành thay vì chú ý đến lợi nhuận để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí và đưa ra các dịch vụ có chất lượng tốt, giá cước hạ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Theo Bộ TT&TT, tổng số thuê bao băng rộng cố định (xDSL) hiện đang đạt khoảng 4,2 triệu thuê bao, khoảng 4,83% dân số. Còn tổng số thuê bao 3G đạt 12,8 triệu thuê bao, chiếm khoảng 14,71% dân số. Trước đó, tại Hội thảo Quốc gia về CNTT và truyền thông Việt Nam 2012, đại diện VNPT cho biết, đơn vị này đang có khoảng 8 triệu thuê bao 3G và 3 triệu thuê bao băng rộng (ADSL và FTTH).
Chỉ tiêu phát triển theo Dự thảo Quy hoạch phát triển Viễn thông quy định rõ, đến năm 2015, Internet băng rộng cố định sẽ đạt từ 6-8 thuê bao/100 dân (tăng lên 15-20 thuê bao/100 dân đến 2020), tỷ lệ thuê bao di động 20-25 thuê bao/100 dân (35-40 thuê bao/100 dân vào 2020), tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet ở mức 15-20% (35-40% năm 2020), tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 35-40% (45-50% vào 2020). Tốc độ tăng trưởng viễn thông đạt khoảng 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng của GDP (giảm xuống chỉ còn 1,2-1,5 đến 2020)...
Nguyễn Khiêm