Các mạng di động cho rằng do mật độ thuê bao đã cao, cộng thêm là khó khăn của nền kinh tế và chính sách siết chặt quản lý thuê bao nên tốc độ tăng trưởng thuê bao mới thời gian vừa qua rất ảm đạm.
Thị trường sắp bão hòa
Số liệu thống kê của các mạng di động cho thấy, mấy tháng gần đây lượng thuê bao đăng ký mới giảm rất mạnh. Các mạng di động cho biết, nhiều khả năng họ sẽ không đạt được kế hoạch phát triển thuê bao đã đặt ra từ đầu năm. Cả 3 mạng di động lớn đang chiếm đến 95% thị phần là Viettel, VinaPhone, MobiFone cũng thừa nhận việc phát triển thuê bao mới đang rất khó khăn.
Lý giải về vấn đề này, đại diện VinaPhone cho biết, số lượng thuê bao di động của Việt Nam gần như đã đến ngưỡng bão hòa khi mật độ khá cao. Thống kê của Bộ TT&TT gần đây cho thấy bình quân mỗi người dân Việt Nam sở hữu tới 1,5 thuê bao điện thoại di động. Đây là tỷ lệ tương đối lớn so với các nước trên thế giới. Thêm vào đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong bối cảnh khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp nối đuôi nhau “ra đi” nên cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực viễn thông.
Theo số liệu về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 của doanh nghiệp được Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 26.324 doanh nghiệp. Đại diện VinaPhone phân tích tiếp: “Những chính sách siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước, siết chặt khuyến mãi và việc đưa SIM thẻ ra kênh phân phối cũng đã khiến các đại lý không dám “ôm” nhiều SIM như trước. Điều này cũng tác động lớn đến hoạt động kinh doanh SIM thẻ của các nhà mạng”.
Cũng giống như tình hình phát triển thuê bao của VinaPhone, Viettel Telecom cho biết lượng thuê bao phát triển mới từ đầu năm đến nay ít hơn nhiều so với năm 2011. Vì vậy, rất có thể Viettel sẽ không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra trong năm 2012. “Gần đây, Bộ TT&TT bắt đầu siết chặt hơn chính sách quản lý thuê bao trả trước, như việc đăng ký thuê bao mới phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thông tin cá nhân bằng chứng mình thư, mỗi thuê bao không được đăng ký quá 3 SIM. Sắp tới Bộ TT&TT tiếp tục siết chặt quản lý thời hạn phát hành SIM thẻ và bắt buộc thuê bao trả trước phải đóng phí hòa mạng. Điều này đã tác động rất mạnh đến các đại lý SIM thẻ và họ không dám “ôm” nhiều như trước đây”, đại diện Viettel Telecom nói. Viettel Telecom cũng cho biết thêm tuy việc tăng trưởng thuê bao rất trầm lắng, nhưng số thuê bao phát triển mới cũng thực chất hơn và giảm thiểu được nhiều số khách hàng lợi dụng khuyến mãi dùng SIM thay thẻ cào.
Mạng nhỏ đối mặt với quá nhiều thách thức
Khi các mạng di động lớn gặp khó khăn trong việc phát triển thuê bao thì cũng đồng nghĩa với việc các mạng nhỏ sẽ khó khăn hơn gấp bội. Thực tế cho thấy cho dù mạng nhỏ tung ra nhiều gói cước thuộc dạng “bom tấn” ra thị trường nhưng không vì thế mà thuê bao mạng lớn “chảy” sang mạng nhỏ. Yếu tố thị trường được xem là khó khăn lớn nhất cho các mạng di đông nhỏ trong quá trình tìm chỗ đứng trên thị trường di động Việt Nam.
Trong 3 mạng di động nhỏ thì Vietnamobile được xem là mạng sung sức hơn cả. Năm ngoái, nhà mạng này thông báo có 10 triệu thuê bao. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay mạng này chưa công bố số thuê bao phát triển mới được bao nhiêu.
Khó khăn nhất trên thị trường hiện nay là Beeline và S-Fone. Tháng 10 tới Beeline sẽ phải thay thương hiệu sau khi VimpelCom tuyên bố bán lại toàn bộ 49% cổ phần của họ tại GTel Mobile. Như vậy, GTel Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline và bắt đầu công cuộc tái khởi động lại mạng di động này với thương hiệu mới. Tuy nhiên, tiến trình tái khởi động của GTel Mobile lại rơi vào thời điểm khó khăn nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mạng di động này.
Trong khi GTel Mobile chuẩn bị tái khởi động cho thương hiệu mới thì S-Fone vẫn im hơi lặng tiếng. Điều này chứng tỏ S-Fone vẫn đang loay hoay trong cơn bỹ cực. Cắt giảm lao động, chuyển đổi công nghệ, thu hẹp vùng phủ sóng, khách hàng ra đi, nợ nần, đang là tình cảnh của S-Fone hiện nay. Hiện chưa thấy kịch bản nào sáng sủa cho S-Fone ở thời điểm này. Những khó khăn về thị trường dường như không còn mấy tác động đến S-Fone ở thời điểm này khi nhà mạng gần như “án binh bất động”.
Một thống kê gần đây của Bộ TT&TT cho thấy, số thuê bao di động của Việt Nam là 122,79 triệu thuê bao. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, số thuê bao điện thoại phát triển mới qua 8 tháng năm 2012 ước tính đạt 7,65 triệu thuê bao, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (gồm 15,7 nghìn thuê bao cố định và 7,63 triệu thuê bao di động), nâng số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 8/2012 ước đạt 135,8 triệu thuê bao.
Theo ICTnews