VNPT sẽ xây dựng hạ tầng VT-CNTT ngang tầm thế giới
Cập nhật lúc: 07:53 AM ngày 19/02/2013
Trả lời phỏng vấn Báo Bưu điện Việt Nam, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực VNPT khẳng định tập đoàn này sẽ xây dựng và phát triển hạ tầng VT-CNTT hiện đại ngang tầm các nước trên thế giới...

Trả lời phỏng vấn Báo Bưu điện Việt Nam, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực VNPT khẳng định tập đoàn này sẽ xây dựng và phát triển hạ tầng VT-CNTT hiện đại ngang tầm các nước trên thế giới với mạng băng thông rộng có chất lượng tốt, phủ rộng khắp và phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ, dịch vụ.

Năm 2012, kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, điều này có ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh của VNPT được đặt ra từ đầu năm? Những điểm nhấn của VNPT trong hoạt động kinh doanh năm 2012 là gì thưa ông?

Năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt. Đây thực sự là một năm rất khó khăn đối với VNPT.

Tuy nhiên, VNPT vẫn đạt mức tăng trưởng 10%, doanh thu đạt hơn 130.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận trên 8.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của VNPT trong các năm tiếp theo. Có được kết quả đó là nhờ trong năm, VNPT đã tập trung đẩy mạnh hoàn thiện Cơ chế kinh tế nội bộ (Cơ chế 46) giữa các đơn vị trong Tập đoàn, ban hành cơ chế khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng doanh thu khách hàng dịch vụ VinaPhone, khuyến khích sử dụng hiệu quả hạ tầng di động, bổ sung các cơ chế kinh tế đối với SXKD dịch vụ phần mềm, dịch vụ khoa học công nghệ, dịch vụ chuyên dùng phục vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước… Các cơ chế đó đã góp phần thúc đẩy kinh doanh và phản ánh hiệu quả của các đơn vị một cách rõ ràng. Đây có thể nói chính là điểm nhấn trong hoạt động SXKD của VNPT năm 2012.

Bên cạnh đó, năm 2012, VNPT cũng đẩy mạnh triển khai tiêu chuẩn hóa đội ngũ lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng thông qua các chương trình như Nụ cười VNPT và đặc biệt là chương trình “Khách hàng bí mật” nhằm đánh giá, kiểm tra thường xuyên chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, hình ảnh nhận diện thương hiệu VNPT tại các bộ phận tiếp xúc trực tiếp khách hàng trên toàn mạng lưới; tạo tiền đề để Tập đoàn và các đơn vị thành viên chuyển biến mạnh và sâu sắc hơn nữa về chất lượng phục vụ.

Ông có thể cho biết mục tiêu chủ yếu của VNPT trong năm 2013?

Năm 2013, VNPT đặt mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu 140.000-145.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.050 tỷ đồng, nộp ngân sách 7.568 tỷ đồng, thu nhập bình quân tăng tối thiểu 10% so với năm 2012. Năm 2013 được xác định là năm CNTT của Tập đoàn, do đó, VNPT sẽ tập trung đẩy mạnh dịch vụ CNTT, giá trị gia tăng, đồng thời tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh và hiệu quả SXKD của Tập đoàn.

Năm 2013 được dự báo là năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thị trường viễn thông Việt Nam tiếp tục cạnh tranh mạnh trong xu hướng bão hòa về nhu cầu. Với VNPT, năm 2013 được xác định là năm tiếp tục phải đổi mới và đổi mới toàn diện tổ chức SXKD, triển khai thực hiện quá trình tái cơ cấu theo phê duyệt của Chính phủ để VNPT sớm ổn định và phát triển trong tương lai. Đồng thời với quá trình tái cơ cấu, VNPT vẫn phải đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch năm 2013, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu của khách hàng và xã hội. Mọi định hướng phát triển và các giải pháp của VNPT trong giai đoạn tới đều tập trung mạnh vào tính hiệu quả. Tuy nhiên, VNPT vẫn phải đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng và lợi nhuận. Bởi tăng trưởng là điều kiện cơ bản để tiếp tục phát triển. Nhưng tăng trưởng lại phải dựa trên hiệu quả, dựa trên lợi nhuận để tái đầu tư phát triển và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người lao động cũng như sự đóng góp đối với Nhà nước.

Để duy trì sức mạnh của tập đoàn chủ lực quốc gia, trụ cột chính của VNPT được xác định là gì?

VNPT đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung vào các điểm sau:

Thứ nhất chúng tôi sẽ xây dựng VNPT hiện đại, rộng khắp về mạng lưới, tiên tiến về công nghệ, đa dạng về dịch vụ, linh hoạt trong quản lý, bảo đảm tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN. Phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy phát triển KTXH...

Thứ hai, VNPT sẽ tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại, đồng bộ, cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông. Bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai...

Thứ ba, VNPT sẽ xây dựng và phát triển hạ tầng VT-CNTT có công nghệ hiện đại ngang tầm với các nước trên thế giới; mạng lưới rộng khắp; chất lượng cao, băng thông rộng; phù hợp với xu thế hội tụ giữa VT-CNTT-truyền thông.

Thứ tư, VNPT sẽ tập trung kinh doanh các dịch vụ đem lại doanh thu và hiệu quả cao; đột phá trong phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng và CNTT; mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực truyền thông và kinh doanh thương mại nhằm phát huy lợi thế tổng hợp, đặc biệt là lợi thế về công nghệ và mạng lưới; tìm kiếm và mở rộng thị trường ra nước ngoài; giữ vị trí hàng đầu trong cung cấp các dịch vụ VT-CNTT và truyền thông trên thị trường Việt Nam...

Mới đây, VNPT đã đặt văn phòng đại diện ở Myanmar, trước đó đã mở văn phòng tại Mỹ. Vậy hướng đầu tư ra nước ngoài đang được tiến hành như thế nào thưa ông? Đầu tư nước ngoài có phải là một trong những trụ cột chính của VNPT trong tương lai hay không?

Từ những năm 1990, VNPT đã tham gia đầu tư vào một số tuyến cáp biển quốc tế cập bờ tại Việt Nam như: tuyến cáp biển TVH (kết nối Thái Lan - Việt Nam - Hồng Kông), tuyến cáp biển SMW3 (kết nối Châu Á và Bắc Mỹ), tuyến cáp biển AAG (kết nối Đông Nam Á và Bắc Mỹ). Năm 2006, VNPT cũng đã tham gia đầu tư vào Công ty Viễn thông ATH/Acasia (Malaysia) - Liên doanh viễn thông của một số nhà khai thác viễn thông hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2007, Chi nhánh VNPT được thành lập tại San Francisco – Mỹ, xúc tiến các dự án đầu tư của VNPT trong các lĩnh vực viễn thông và công nghệ cao,... Năm 2008, VNPT đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế VNPT (VNPT Global) với mục tiêu thiết lập hạ tầng viễn thông của VNPT tại nước ngoài, tiến hành khai thác kinh doanh các dịch vụ viễn thông của VNPT tại thị trường quốc tế, phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Việt tại nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài có mối quan hệ giao thương với thị trường Việt Nam…

Với VNPT, việc đầu tư ra nước ngoài là mục tiêu lâu dài và hướng đi của VNPT là tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh quốc tế hiện có như liên kết mạng lưới kinh doanh lưu lượng, cho thuê hạ tầng, kinh doanh dịch vụ thông tin vệ tinh trong khu vực; lựa chọn đối tác chiến lược để hợp tác trong lĩnh vực đầu tư vốn, công nghệ, dịch vụ; đầu tư hạ tầng và dịch vụ vào các nước đang phát triển; cung cấp sản phẩm công nghiệp ra thị trường ngoài nước…

Có thể nói, kinh nghiệm kinh doanh trong môi trường toàn cầu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường nước ngoài vẫn còn thiếu. Thời gian qua, kinh tế thế giới khủng hoảng, môi trường đầu tư có nhiều khó khăn. Chính vì vậy, quá trình đầu tư ra nước ngoài của VNPT được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng với những bước đi cụ thể. Bởi vì, với trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế nhà nước, VNPT phải đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu Nhà nước giao.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ictnews

 



  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing