Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
Cập nhật lúc: 10:56 AM ngày 16/08/2014
Chiều ngày 13/8/2014, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị nghe báo cáo Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Tư pháp; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Khoa học và công nghệ; Văn phòng UBND tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn;  Ban thi đua khen thưởng; Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Cục Thuế; Cục Thống kê; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa; cùng đại diện lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hiệp hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp trẻ.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra sản phẩm trong nước (GDP). Hàng năm, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 55% GDP của tỉnh, nộp ngân sách nhà nước chiếm 45 – 50% tổng thu nội địa, giá trị xuất khẩu chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bởi vậy, những năm qua thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhất là khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 09 – NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh theo pháp luật. Công tác phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tương đối tích cực, cùng với sự tăng nhanh về số lượng, quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh từng bước được cải thiện, đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, chất lượng được nâng lên và thể hiện được tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bước đầu đã khẳng định được vị thế trên thương trường. Hiện nay, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2013 toàn tỉnh có 9.600 doanh nghiệp được cấp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 65,2%; doanh nghiệp đang hoạt động tăng bình quân hàng năm 16,4%. Nếu tính mỗi doanh nghiệp có một doanh nhân lãnh đạo, quản lý điều hành sản xuất kinh doanh thì toàn tỉnh ước có khoảng 9.600 doanh nhân. Tỷ lệ doanh nhân có trình độ trên đại học và đại học chiếm gần 40%, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp so với bình quân của cả nước (hơn 50%).

Mặc dù vậy công tác phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, như: Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ còn chiếm tỷ lệ lớn; công nghệ sản xuất của phần lớn doanh nghiệp còn lạc hậu; trình độ tay nghề của công nhân còn thấp; trình độ, năng lực quản lý điều hành, văn hóa kinh doanh, kiến thức hội nhập và sự am hiểu pháp luật của một bộ phận doanh nhân còn hạn chế. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, yếu kém và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì việc xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 là cần thiết.

Đề án đã đưa ra mục tiêu cụ thể về phát triển số lượng doanh nghiệp đến năm 2020 lên 15.000 doanh nghiệp (bình quân hàng năm tăng 11,5%) với cơ cấu khu vực miền núi chiếm 15%, đồng bằng 55%, ven biển 30%; trong đó cơ cấu theo lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp – xây dựng chiếm ưu thế.  Đồng thời, phát triển số doanh nhân đến năm 2020 đạt khoảng 22.500 doanh nhân; mỗi năm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 2.000 doanh nhân. Đề án đưa ra 08 nhóm giải pháp để thực hiện Đề án có hiệu quả.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, đồng thời Đề án cần được xây dựng ngắn gọn nhưng đầy đủ, toàn diện và mang tính khả thi, làm nổi bật mục tiêu của Đề án phát triển doanh nghiệp, doanh nhân cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh và hoàn thiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong phiên họp thường kỳ tháng 8.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa

 



  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing