Với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) 2015, Thanh Hóa kỳ vọng sự kiện này có thể làm tiền đề cho du lịch địa phương thay đổi về chất. Tuy nhiên, để sự kiện đi đến thành công cần những yếu tố nào? Những trở ngại nào du lịch Thanh Hóa còn phải vượt qua để hướng đến mục tiêu xa hơn?... Đây là những băn khoăn được chúng tôi nêu ra trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Năm Du lịch Quốc gia, cơ hội đột phá cho du lịch
Phóng viên: NDLQG, chỉ cái tên thôi có lẽ cũng đã nói lên nhiều điều về tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này. Vậy, ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của NDLQG đối với các địa phương đăng cai tổ chức sự kiện?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Việc tổ chức NDLQG là cơ hội cho các địa phương tạo sự đột phá trong phát triển du lịch, nhất là trong xây dựng các chuỗi sản phẩm mới, tạo sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong việc kết nối các điểm đến. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức sự kiện sẽ giúp các địa phương nâng cao nhận thức về du lịch, hiểu về du lịch và cách làm du lịch; đồng thời biết tập trung cho những trọng tâm, trọng điểm, cái đặc sắc nổi bật của địa phương mình để mang ra giới thiệu. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc tổ chức NDLQG luân phiên qua các tỉnh, thành trong cả nước là nhằm giới thiệu được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo mang tính bản sắc của mỗi vùng, miền đến đông đảo du khách.
Phóng viên: Thẳng thắn nhìn nhận, dưới góc nhìn của một người dân bình thường, nếu không quan tâm đến các thông tin trong nước được đăng tải trên phương tiện truyền thông, có lẽ sẽ không biết NDLQG tổ chức ở đâu, có những hoạt động gì hoặc có biết cũng chỉ giới hạn ở các lễ khai mạc, bế mạc mà thôi. Theo ông, vấn đề này nằm ở khâu truyền thông? Ở tính hấp dẫn của sự kiện? Hay còn những nguyên nhân khác nữa?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Người dân quan tâm hay không đến NDLQG phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến là hết sức quan trọng. Thực tế là, thông thường những nơi có điểm du lịch hấp dẫn, các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi thì nơi ấy người dân quan tâm hơn đến các sự kiện có liên quan đến du lịch và ngược lại. Được đăng cai tổ chức NDLQG là cơ hội cho các địa phương nhưng có chuyển hóa cơ hội thành động lực hay không thì việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhân dân là một khâu trọng yếu.
Tổng hòa nhiều yếu tố để thành công
Phóng viên: Dù được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng, song nhìn trên bản đồ du lịch Việt Nam, Thanh Hóa vẫn chưa phải là điểm đến thực sự hấp dẫn du khách. Theo ông, nguyên nhân nào đang làm chậm sự phát triển của du lịch Thanh Hóa?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Thanh Hóa rất giàu có tài nguyên du lịch. Thời gian qua du lịch Thanh Hóa đã có nhiều bước phát triển khích lệ, nhưng rõ ràng sự phát triển ấy chưa tương xứng với nguồn tài nguyên phong phú cũng như sự kỳ vọng của mọi người. Muốn du lịch phát triển phải có sản phẩm, mà đối với sản phẩm sự nổi bật rất quan trọng song sự khác biệt mới có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, Thanh Hóa phải dựa vào tài nguyên du lịch để tạo ra các sản phẩm khác biệt và đồng bộ, có sự kết nối hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các sản phẩm và điểm đến. Đồng thời, địa phương cần đầu tư tương xứng cho công tác xúc tiến, quảng bá đến các thị trường tiềm năng của du lịch Thanh Hóa.
Phóng viên: Mặc dù vậy, với Thanh Hóa, việc đăng cai tổ chức NDLQG 2015 quả thực là cơ hội lớn giúp mở ra “cánh cửa mới” cho du lịch địa phương. Người ta đang kỳ vọng về sự kiện này, còn với riêng ông, những việc tỉnh Thanh Hóa đã và đang làm liệu đã đủ để bảo đảm cho sự kiện này diễn ra tốt đẹp?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Với việc đăng cai tổ chức NDLQG 2015, tỉnh Thanh Hóa đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, cùng sự nỗ lực vượt khó rất lớn. Cùng với những bước đột phá trong quản lý Nhà nước ở một số điểm đến, mà tiêu biểu là Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang tập trung các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng du lịch; chú trọng liên kết với các tỉnh, thành có di sản thế giới; tranh thủ sự vào cuộc của các Bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh... Có thể nói đây là những nỗ lực bước đầu rất đáng khích lệ, tạo ra tiền đề thành công cho NDLQG 2015.
Phóng viên: Đã luân phiên tổ chức qua nhiều tỉnh, thành trong cả nước, xin ông cho biết, bài học kinh nghiệm nào từ các địa phương đã tổ chức NDLQG có thể giúp Thanh Hóa khắc phục được hạn chế, đồng thời tạo dựng được dấu ấn tốt đẹp trong NDLQG 2015?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Để tổ chức thành công NDLQG cần kết hợp nhiều yếu tố, trong đó, sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp chính quyền, ban, ngành và nhân dân địa phương là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc xác định được những nội dung hoạt động trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo được thay đổi mang tính đột phá, địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần coi việc đầu tư phát triển sản phẩm là ưu tiên hàng đầu, là cốt lõi của câu chuyện du lịch; song song với việc liên kết cùng các địa phương có di sản tạo thành chuỗi các điểm đến hấp dẫn.
Tìm kiếm những trải nghiệm ấn tượng
Phóng viên: Sợi dây chủ đề xuyên suốt của NDLQG 2015 – Thanh Hóa là “Kết nối các di sản thế giới”. Vậy theo ông, ý nghĩa của sự kết nối này là gì?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Du lịch Việt Nam được xác định ở 3 dòng sản phẩm chính là du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Trong văn hóa, đó là việc tận dụng các yếu tố nổi bật và khác biệt, nhất là các giá trị văn hóa, thiên nhiên đã được UNESCO công nhận làm tiền đề xây dựng các sản phẩm. Chọn chủ đề NDLQG 2015 là “Kết nối các di sản thế giới”, mục tiêu hướng tới không chỉ nhằm làm nổi bật và khai thác hiệu quả giá trị các di sản; mà thông qua sự kết nối còn mang đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng về sự độc đáo, hấp dẫn và khác biệt của văn hóa Việt Nam.
Phóng viên: Một trong những yêu cầu đặt ra cho NDLQG là làm nổi bật các sản phẩm và triển khai các tour tuyến du lịch. Theo ông, Thanh Hóa nên chọn sản phẩm du lịch nào làm chủ lực và điều kiện “cần” và “đủ” để xây dựng các tour tuyến du lịch phù hợp với chủ đề NDLQG 2015 là gì?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi, Thanh Hóa nên tập trung cho hai sản phẩm chính là du lịch biển và du lịch văn hóa để tạo sức lan tỏa. Bên cạnh đó, để xây dựng được các tour tuyến du lịch cần phải định vị được điểm đến tiêu biểu và làm tốt công tác quản lý các điểm đến ấy. Tiếp đó, đầu tư hạ tầng tại các điểm đến và cuối cùng là tăng cường tuyên truyền, xúc tiến cho các điểm đến ấy.
Phóng viên: Với NDLQG, truyền thông phải luôn đi trước một bước, tuy nhiên, đây cũng là một trong những hạn chế Thanh Hóa khi hình ảnh du lịch Xứ Thanh chưa được quảng bá sâu rộng, hấp dẫn. Vậy theo ông, giải pháp truyền thông nào cần được áp dụng để NDLQG 2015 – Thanh Hóa thực sự mang lại sức hút nhằm tạo đà thành công?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đối với NDLQG, truyền thông có tác dụng quan trọng trong việc kích cầu nội địa. Vì vậy, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thông qua kênh thông tin báo chí, qua tổ chức các hoạt động, các sự kiện, qua tuyên truyền vận động đến nhân dân... nhằm mang lại hiệu quả sâu rộng và thiết thực hơn.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Báo Thanh Hóa điện tử