Thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác
Ngày 25-6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị thảo luận, đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2012 và một số nội dung quan trọng khác.
Cùng dự có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, chức năng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 do đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy trình bày, khẳng định: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng bằng sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng, một số chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ và kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,6%, tuy thấp hơn kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ nhưng gấp gần 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Sản xuất nông, lâm, thủy sản ổn định và đạt kết quả tương đối toàn diện. Vụ chiêm - xuân được mùa lớn, năng suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt 11.099 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch. 6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng; thành lập mới 480 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 2.810 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh đang hoạt động lên 6.171 doanh nghiệp.
Các ngành dịch vụ phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.659 tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ. Chi ngân sách đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi theo dự toán. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 18.870 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh so với năm trước và mục tiêu đề ra. Hoạt động văn hóa, thông tin đã tập trung tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ta đã tổ chức thành công Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,79%. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng – an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Bên cạnh kết quả đạt được, trong 6 tháng qua bộc lộ rõ những hạn chế, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ và kế hoạch; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thực hiện dự án trọng điểm chậm, nhất là các dự án công nghiệp. Thu nội địa thấp; nợ đọng thuế có chiều hướng tăng lên; tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra. Một số vấn đề xã hội bức xúc như đình công, lãn công, khiếu kiện đông người còn xảy ra ở một số địa phương...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý điều hành nền kinh tế, đa số các ý kiến đều khẳng định: Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhất là trong điều kiện thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở một số ngành, địa phương chưa cụ thể, thiếu tính quyết liệt, thiếu sáng tạo.
Về giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, một số đại biểu cho rằng, cùng với việc thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp đã đề ra, các ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo, rà soát, phản ánh đúng thực trạng sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời có những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn phát triển sản xuất. Trong đó ưu tiên nguồn vốn đối với một số doanh nghiệp, dự án sắp có sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Các ngân hàng thương mại cần thực hiện tốt chính sách tín dụng; phân loại khách hàng để cơ cấu lại nợ cho phù hợp với từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục duy trì chế độ giao ban sản xuất công nghiệp, dịch vụ để nắm tình hình và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn về vốn, về tiêu thụ sản phẩm, về mặt bằng, về thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và những sản phẩm, ngành hàng mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Những kết quả đạt đuợc trong 6 tháng qua của tỉnh là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những định hướng từ nay đến hết năm 2012; phân tích sâu về những tồn tại, yếu kém trên các lĩnh vực, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp trước mắt cần tăng cường kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2012. Đối với vốn vay, cần huy động các dòng vốn hiện có, đặc biệt là thu hút nguồn vốn trong nhân dân để ưu tiên vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiềm năng phát triển, có dự án hiệu quả, có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp với phát động phong trào “Người Thanh Hóa sử dụng sản phẩm của Thanh Hóa” để kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển. Về hoạt động xây dựng cơ bản, các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án, nhất là những dự án bàn giao mặt bằng chậm, kéo dài. Đồng thời đôn đốc các nhà thầu lên phiếu giá đối với các gói thầu, hạng mục đã có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện nghiệm thu thanh toán để hoàn ứng. Đối với hoạt động thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là quyết tâm phấn đấu đạt được dự toán đã đề ra. Do vậy, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, thực hiện các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, chống thất thu, giảm nợ đọng; chỉ đạo quyết liệt để thu các khoản thuế liên quan đến đất đai, khoáng sản. Bên cạnh đó cần khẩn trương tổng hợp, báo cáo trung ương hỗ trợ phần hụt ngân sách do thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế trong năm. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên, trước mắt cần tập trung giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Hôm nay 26-6, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục làm việc, thảo luận một số nội dung quan trọng khác.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử