VNPT đang đầu tư bài bản phát triển và ứng dụng công nghệ số tiên tiến
Cập nhật lúc: 10:16 AM ngày 28/03/2018
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang là đơn vị tiên phong trong việc chuẩn bị những năng lực để nắm bắt những cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

 

Thông tin trên được ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT chia sẻ tại Lễ công bố chương trình truyền hình “Quốc gia số”. Đây là chương trình do Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt nam phối hợp cùng VNPT sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1.

Mục tiêu của chương trình “Quốc gia số” nhằm mang đến: Thông tin đầy đủ về bản chất và tầm quan trọng của Cách mạng Công nghiệp 4.0; Nâng cao các kiến thức, nhận thức trong việc ứng dụng các công nghệ mới làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn; Khuyến khích và giới thiệu điển hình các doanh nghiệp, cá nhân trong nước đầu tư, phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, chương trình cũng phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với việc nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt nam phối hợp cùng VNPT sản xuất và phát sóng chương trình "Quốc gia số" trên kênh VTV1


Với thời lượng 10 phút/chương trình, “Quốc gia số” được chia làm 2 phần: phần tin tức trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; phần nội dung chính tập trung vào 3 vấn đề: Chính phủ với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Người dân với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Với mỗi hướng phát triển nội dung, chương trình sẽ tiếp cận những vấn đề rất mới, được xã hội quan tâm, có sức ảnh hưởng đến người xem. Ngoài ra, chương trình còn mang đến thông tin về các ứng dụng công nghệ mới cùng với các hướng dẫn, trải nghiệm để nâng cao nhận thức, có đủ kiến thức để áp dụng công nghệ mới trong cuộc sống.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, Chương trình này sẽ hỗ trợ Chính phủ, doanh nghiệp có bước đi phù hợp thông qua kinh nghiệm giải pháp trong nước và quốc tế để phổ biến rộng rãi cho người dân. Chương trình "Quốc gia số" nên có thời lượng nhiều hơn về nguồn nhân lực CNTT và an toàn thông tin. Đây là 2 vấn đề thách thức cho chúng ta hiện nay.

Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT tại Việt Nam, VNPT sẽ phối hợp với VTV để sản xuất chương trình này.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT chia sẻ tại Lễ công bố chương trình truyền hình “Quốc gia số”.

 

Hiện VNPT đang có sự đầu tư bài bản, có định hướng rõ ràng cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ số tiên tiến, phục vụ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và trong cuộc sống của người dân. VNPT đang đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp về Chính phủ điện tử, chính quyền số, những nền tảng giao tiếp số giữa chính quyền và công dân, góp phần đắc lực để nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành và chất lượng phục vụ người dân của các Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương. VNPT cũng sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp để nghiên cứu và triển khai các giải pháp giúp chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Liêm chia sẻ.

Được biết, chương trình “Quốc gia số” sẽ được phát sóng vào 9h10 sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. Số đầu tiên của chương trình “Quốc gia số” với chủ đề “Thế giới với Cách mạng Công nghiệp 4.0” sẽ được phát sóng vào 9h10 sáng thứ 7, ngày 24 tháng 3 năm 2018.

Được sản xuất bởi Ekip giàu kinh nghiệm, cùng sự phối hợp chặt chẽ về mặt thông tin với các cơ quan thường trú tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, cùng sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình thức thể hiện, chương trình “Quốc gia số” chắc chắn sẽ mang lại cho người xem những thông tin chính xác, thiết thực về các vấn đề của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.

Theo Xã hội thông tin



  Chia sẻ: Share on Facebook Google Share on LinkHay Share on Go Share on Zing