Trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang là “trợ thủ đắc lực”. Vì vậy, những năm gần đây, việc ứng dụng CNTT được ngành giáo dục tỉnh nhà xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Nếu như trước đây, giáo viên mầm non phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì nay, có thể sử dụng Internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử. Chỉ cần vài cái “click chuột” là hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ra, thu hút sự chú ý và kích thích hứng thú học tập của học sinh (HS). Đối với các bậc học khác cũng vậy, những bài giảng từ giáo án điện tử (GAĐT) ở các môn học như Toán, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý... đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả người dạy và người học. Vì vậy, sử dụng GAĐT và ứng dụng CNTT đang là xu thế trong ngành giáo dục. Do đó, ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, một trong những ưu tiên của các nhà trường hiện nay là tăng cường đầu tư các trang bị thiết bị dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... và sử dụng GAĐT. Bởi, trong mỗi giờ học, với GAĐT, HS sẽ được mở rộng hiểu biết thông qua các video, hình ảnh liên quan trực tiếp đến bài học.
Tại huyện Như Xuân, để nâng cao hiệu quả sử dụng GAĐT trong giảng dạy, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, hằng năm, ngành giáo dục huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề cho giáo viên về khai thác thông tin trên mạng, thiết lập một GAĐT; chỉ đạo, động viên, khuyến khích giáo viên ở tất cả các đơn vị trường tăng cường sử dụng CNTT trong các bài giảng của mình. Cùng với giảng dạy, trong công tác quản lý, ngành giáo dục Như Xuân cũng đã thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT. Hiện, nhiều phần mềm quản lý giáo dục đang được các nhà trường sử dụng hiệu quả, như: phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm Vnedu, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục... Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 100% trường thực hiện công tác quản lý với sự hỗ trợ của CNTT, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS có ứng dụng CNTT trong dạy học. Thầy giáo Đỗ Văn Chung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân, cho biết: Việc triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động của ngành thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong công tác quản lý, CNTT cung cấp công cụ xử lý thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Trong giảng dạy, sử dụng CNTT giáo viên có thể giới thiệu kiến thức mới bằng những tình huống sinh động với hình ảnh minh họa phong phú, đa dạng giúp HS say mê học tập, phát huy tính chủ động trong tìm hiểu và khắc sâu kiến thức bài học. Đặc biệt, trước tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, CNTT đã trở thành “trợ thủ đắc lực” trong các hoạt động giáo dục, nhất là việc tổ chức dạy học online.
Một giờ dạy học online của giáo viên Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn)
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động giáo dục của mỗi nhà trường và trong toàn ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các nhà trường tăng cường, phát huy giá trị và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ứng CNTT. Cô giáo Hoàng Thị Sơn Quyên, Phó hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường đã chủ động các điều kiện từ kế hoạch bài giảng, tập huấn kỹ năng dạy học online đến cơ sở vật chất sẵn sàng tổ chức dạy trực tuyến cho HS khi có yêu cầu. Mỗi giáo viên nhà trường cũng xác định nhiệm vụ của mình nên đã nỗ lực hết mình cũng như chuẩn bị tốt tâm thế, điều kiện cần thiết cho các tiết dạy qua phần mềm zoom, Google Meet cho HS. Tại Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) việc dạy học online cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm trong thời gian này, nhất là đối với HS cuối cấp. Có thời điểm HS toàn trường phải tạm nghỉ học để phòng, chống dịch, nhà trường đã thành lập 3 phòng học trực tuyến, mỗi phòng học dạy cho 1 khối lớp. Cả 3 phòng học đều được tổ chức theo thời khóa biểu như dạy học trực tiếp trên lớp và ghi sổ đầu bài đầy đủ. Trong mỗi tiết dạy của giáo viên đều có sự tham gia dự giờ, hỗ trợ của các giáo viên cùng bộ môn, của kỹ thuật viên VNPT Thanh Hóa và có sự giám sát chặt chẽ của ban giám hiệu nhà trường. Đặc biệt, sau mỗi buổi học, giáo viên bộ môn sẽ tương tác với HS để nắm bắt tình hình học tập, những HS nào chưa hiểu bài hoặc không tham gia buổi học sẽ được hỗ trợ hoặc gửi tài liệu qua nhóm zalo, facebook nhằm giúp các em học tập tốt hơn. Riêng đối với HS khối 12 ngoài học trực tuyến qua phòng học chung của nhà trường, ban giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo giáo viên tăng cường dạy qua phòng học riêng của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn vào mỗi buổi tối...
Để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo các cơ sở GD&ĐT, các trường học trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học như, dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến hay dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến...; khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội zalo, zoom để hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức cho HS học tập tại nhà khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thời gian vừa qua, toàn ngành giáo dục đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và áp lực trước tác động của dịch bệnh COVID-19; đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm học mới dưới nhiều hình thức, trong đó có việc dạy học trực tuyến trên nền tảng CNTT. Chưa bao giờ hoạt động ứng dụng CNTT lại được ngành và các nhà trường đẩy mạnh như trong thời gian qua. Ngay khi bước vào năm học mới 2021-2022, dự báo được diễn biến của dịch bệnh, ngành đã chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị tốt nhất các điều kiện, kích hoạt hệ thống dạy học online. Đây đang là giải pháp tối ưu trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học là một xu thế tất yếu của thời đại. Nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch việc phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi đơn vị trường. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần số ca mắc COVID-19 trong cán bộ, giáo viên và HS tăng cao, song mọi hoạt động giáo dục vẫn được tổ chức tốt. Đây vừa là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của ngành, sự vào cuộc quyết liệt của các nhà trường và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân và cũng là kết quả của việc ứng dụng CNTT trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm học.
Nguồn baothanhhoa.vn