Thanh Hóa đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ 2, chia lửa cùng “Điện Biên Phủ trên không”
Bước vào cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ (1969-1973), tháng 5-1970 Tổng thống Mỹ Ních-xơn lại cho máy bay ném bom ra miền Bắc. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 12-1971, địch tiến hành cho đánh phá lớn bằng không quân ở Thanh Hóa mà chủ yếu là khu vực Hàm Rồng, bệnh viện tỉnh, gây thiệt hại cho ta nhiều người và của.
Đầu năm 1972, tình hình nguy hiểm hơn. Địch đã huy động một lực lượng hải quân và không quân cao nhất từ trước đến nay với các loại máy bay hiện đại nhất như F4, F111, B52G, B52H để đánh phá cả hai miền Nam - Bắc. Có thời gian chúng huy động đến 1.400 máy bay chiến thuật, chiếm 40% lực lượng không quân chiến thuật Mỹ (vào cuối tháng 7-1972) tham gia chiến đấu. Số máy bay B52 được huy động đánh phá Việt Nam là 193 chiếc, chiếm 45% số máy bay B52 của toàn nước Mỹ.
Trước tình hình đó, đầu năm 1972, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi hoạt động chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ”. Trong 2 ngày 13 và 14-4-1972, quân và dân Hàm Rồng đã đập tan cuộc tấn công chiến lược, bắn rơi 1 máy bay B52 và 3 máy bay phản lực khác, khẳng định quân dân Hàm Rồng có đầy đủ khả năng đánh bại phương tiện chiến tranh hiện đại B52 của không lực Hoa Kỳ cũng như âm mưu thủ đoạn của Mỹ lúc bấy giờ.
Từ ngày 21 đến ngày 27-4-1972, giặc Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay các loại đánh vào cầu Hàm Rồng, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Yên Định,... quân và dân ta bắn rơi 8 máy bay, trong đó có 1 chiếc B52.
Đúng ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5) chiếc máy bay A3J của giặc Mỹ bị bắn rơi, nâng tổng số máy bay của không lực Hoa Kỳ bị quân và dân Thanh Hóa bắn rơi tròn 300 chiếc.
Trong những tháng tiếp theo, địch ráo riết tấn công đánh phá vào các tuyến đường sắt, đường thủy, đường bộ và các xí nghiệp đầu máy xe lửa, sửa chữa ôtô... cùng các loại phương tiện nhằm cắt đứt mạch máu giao thông, hạn chế sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Song, địch càng đánh phá ác liệt, quân, dân ta càng quyết tâm tiêu diệt tối đa máy bay của kẻ thù. Đến ngày 17-10-1972, khi dân quân tỉnh Vĩnh Phú bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 trên miền Bắc, Thanh Hóa đã bắn rơi 339 máy bay, là một trong ba tỉnh dẫn đầu trong phong trào bắn máy bay Mỹ của miền Bắc.
Sau khi Ních-xơn trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 (8-11-1972) cũng như việc chính quyền Mỹ trì hoãn, tráo trở việc ký Hiệp định Pari, Ních-xơn đã gấp rút tăng thêm viện trợ cho chính quyền Ngụy ở Sài Gòn, đốc thúc ngụy quân chiếm vùng giải phóng, đồng thời tiếp tục đánh phá miền Bắc bằng máy bay B52 vào các khu vực trọng yếu, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng với dã tâm đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”.
Trên địa bàn Thanh Hóa trong thời gian này, chúng đánh cầu Hàm Rồng, phà Ghép và một số huyện như Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Thiệu Hóa... Cho đến ngày 15-1-1973, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở Thanh Hóa nói riêng mới được chấm dứt. Kết quả, kể từ ngày 13-4-1972 đến ngày 15-1-1973 các lực lượng vũ trang trong tỉnh bắn rơi 92 máy bay (3 chiếc B52), các đơn vị bộ đội địa phương bắn rơi 21 chiếc, dân quân, tự vệ độc lập bắn rơi 14 chiếc, phối hợp bắn rơi 2 chiếc. Nếu tính cả số máy bay bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, quân, dân Thanh Hóa đã bắn rơi được 405 chiếc, chiếm gần 1/10 số máy bay quân dân miền Bắc bắn rơi trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Với quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, quân và dân Thanh Hóa mỗi người đều trở thành một chiến sĩ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đánh địch mọi nơi mọi lúc, nhằm tiêu diệt sạch những “thần sấm”, “con ma”, bảo đảm giao thông, đáp ứng kịp thời quân lương cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, thắng lợi trong chống chiến tranh phá hoại bằng hải quân, không quân của quân và dân Thanh Hóa đã góp phần quan trọng, động viên, khích lệ quân và dân Thủ đô Hà Nội làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận thất bại nhục nhã trước một dân tộc Việt Nam bất khuất, kiên cường.
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta lại có dịp nhìn lại những ngày tháng gian khổ với đầy mất mát hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có quân và dân Thanh Hóa anh hùng đã sát cánh chia lửa cùng với quân dân Thủ đô và các tỉnh phía Bắc viết nên bản anh hùng ca bất tử Điện Biên Phủ trên không để các thế hệ người Việt Nam ngàn đời ghi nhớ.
Theo Báo Thanh Hoá điện tử