Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị... năm 2012, Thanh Hóa đã tổ chức hàng loạt các cuộc vận động, xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài. Qua đó, đã có nhiều dự án được ký kết và triển khai tại địa bàn, tạo bước đột phá trong kinh tế đối ngoại của tỉnh. Đây là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn kinh tế, các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.
Những năm trước đây, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh do nhiều đầu mối thực hiện. Năm 2012, để tăng cường sức mạnh trong hoạt động kinh tế đối ngoại, UBND tỉnh đã tập trung đổi mới cả về nội dung và chương trình, phương thức vận động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, với việc thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Thanh Hóa đã tăng cường thêm hiệu quả hoạt động và tập trung đầu mối trong vận động kêu gọi, thu hút đầu tư, hỗ trợ tốt hơn về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Điển hình, năm 2012, tỉnh đã chủ động đấu mối với đại sứ quán các nước có mối quan hệ truyền thống, chiến lược, như: Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc... đánh giá lại hiệu quả các dự án trên địa bàn. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã tích cực tham gia các cuộc xúc tiến nước ngoài tại Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Trung Đông, các nước ASEAN... Trong đó, tỉnh đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Incham, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu tư, kinh doanh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc và Ấn Độ tại tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức hội nghị bên lề về kêu gọi đầu tư nhân Hội nghị Tham vấn các Ủy ban quốc gia UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia các hội nghị về xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các diễn đàn do các tổ chức quốc tế tổ chức tại Việt Nam; các tập đoàn, doanh nghiệp hiện đang đầu tư tại tỉnh. Tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa tại Nhật Bản vào tháng 5-2012; tham gia diễn đàn kinh tế Việt Nam - Kansai tháng 11-2012... Qua các cuộc tiếp xúc, đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa; định hướng đầu tư phát triển các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Nghi Sơn; danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài của tỉnh, như: các dự án: Xây dựng cầu Nguyệt Viên; xây dựng khu xử lý nước thải tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây Thanh Hóa; đầu tư xây dựng và khai thác cảng Nghi Sơn; đầu tư vào dự án phát triển khu đô thị phía đông nam, TP Thanh Hóa. Đồng thời, tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài tại Thanh Hóa.
Trong năm 2012, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc làm việc, tiếp xúc với các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính lớn, như: Đoàn công tác cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á- ADB, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp, Đại sứ quán Ấn Độ, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA... Tại các cuộc gặp gỡ, đối thoại, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các đối tác đã đánh giá cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư của Thanh Hóa và coi đây là thị trường chiến lược, giàu tiềm năng để đầu tư hiện tại và tương lai. Cùng với việc tham gia các diễn đàn, các cuộc tiếp xúc, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh. Trong đó có các hoạt động lồng ghép tuyên truyền nhân các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn của quốc gia, như: Diễn đàn cấp bộ trưởng Việt Nam - Mỹ la tinh về thương mại và đầu tư tháng 7-2012; hội nghị các nhà tài trợ quốc tế (CG) giữa kỳ tháng 6-2012; tham gia các chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài... Chú trọng khâu chuẩn bị, cập nhật hoàn thiện hệ thống thông tin tư liệu xúc tiến, các tài liệu được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật để thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá. Ngoài ra, việc tuyên truyền và xúc tiến qua hệ thống Internet cũng được quan tâm và kịp thời hơn.
Với việc tăng cường vận động, xúc tiến đầu tư, đến nay, Thanh Hóa đã có 51 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký 7,136 tỷ USD, trong đó 30 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai thực hiện. Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện phân cấp tiếp nhận và quản lý các chương trình, dự án viện trợ phát triển chính thức ODA theo quy định tại Nghị định 131/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 chương trình, dự án ODA chính đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 9.214 tỷ đồng, 6 dự án đang chuẩn bị các thủ tục để chuẩn bị khởi công (trong đó 5 dự án đã ký hiệp định) với tổng mức đầu tư 3.936 tỷ đồng. Các dự án lớn, như: Dự án phát triển hệ thống kênh tưới Bắc sông Chu - Nam sông Mã; dự án phát triển hạ tầng vùng duyên hải huyện Nga Sơn, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa, dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ; dự án đê tả sông Cầu Chày với tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 153 triệu USD. Riêng trong năm 2012, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 17.200 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án FDI với vốn đầu tư 28,5 triệu USD.
Trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn về vốn, thì việc Thanh Hóa vận động thành công và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án FDI, ODA đã mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của tỉnh.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử