Chuyển đổi số đang tạo ra sự chuyển dịch đối với nhiều lĩnh vực của tỉnh. Cùng với tiếp nhận, xử lý hồ sơ, văn bản trên môi trường điện tử, nhiều kỳ họp cấp tỉnh gần đây đã thực hiện theo hình thức kỳ họp không giấy tờ, văn bản được số hóa, đại biểu tiếp nhận thông qua môi trường mạng. Mới nhất, tại kỳ họp giữa năm, HĐND một số huyện trong tỉnh cũng đã lần đầu áp dụng kỳ họp không giấy tờ.
Cùng với số hóa văn bản, bước đầu một số tài liệu, hình ảnh về di tích, danh thắng, hiện vật ở Thanh Hóa cũng đã được số hóa để phục vụ phát triển du lịch. Một số sản phẩm được số hóa quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang giúp công tác quản lý, điều hành thuận lợi hơn, làm gia tăng các giá trị vật chất và tiện ích cuộc sống. Ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh và 30% vào năm 2030. Đến năm 2025, Thanh Hóa có 6 huyện, thị xã, thành phố, 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2030, tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 80% xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022 công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận với tỷ lệ văn bản được ký số đạt trên 99,8% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị công khai, minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả hơn; 100% hồ sơ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đều được thực hiện trực tuyến; 100% bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 27 bệnh viện kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa; 6.409 lượt người sử dụng thẻ căn cước công dân để khám, chữa bệnh; hơn 330.000 hồ sơ người có công với cách mạng được số hóa; 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 1.018 hộ, cá nhân nộp thuế bằng hóa đơn điện tử; công tác tuyển sinh thực hiện đăng ký trực tuyến...
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở Thanh Hóa vẫn đặt ra không ít khó khăn, nhất là nhận thức của cán bộ, công chức chưa đồng đều, còn thiếu sự chung sức của người dân. Tại hội nghị sơ kết công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa một lần nữa đưa ra yêu cầu tất cả cán bộ và người dân phải hiểu rõ và có sự chung tay vào cuộc thì mới thực hiện chuyển đổi số thành công.
Vì thế, để cán đích các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU, đòi hỏi mỗi cán bộ, người dân trong tỉnh phải tiếp tục có sự nỗ lực hơn nữa, hiểu đúng về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo và thực hiện chuyển đổi số, trong đó cần phải có quyết tâm rất lớn từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần thiết phải xem kết quả thực hiện chuyển đổi số là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Theo Baothanhhoa.vn